02.11.2023

Đại biểu Quốc hội đề nghị cho áp dụng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg nhằm thu hút đầu tư điện tái tạo cho miền Bắc

Đại biểu Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho khu vực miền Bắc áp dụng Quyết định 13/2020 để thu hút đầu tư tái tạo cho miền Bắc để EVN không phải bù lỗ.

Sáng 2/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025…

Trong phiên thảo luận sáng 2/11 tại hội trường, đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị: Để giảm đầu tư của nhà nước, đồng thời khắc phục việc thiếu điện như mùa hè năm 2022 ở miền Bắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho khu vực miền Bắc áp dụng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13) để tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) mua điện này đúng giá mà người dân đang mua của EVN.

EVN không cần phải bù lỗ, để đảm bảo cho điện sản xuất những năm tới. Đồng thời, phải sớm đổi mới được EVN, không biến độc quyền nhà nước về điện thành độc quyền của doanh nghiệp”- đại biểu Đinh Ngọc Minh nhấn mạnh.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh cũng cho biết, vẫn còn một số vấn đề lớn của nền kinh tế có liên quan đến đầu tư công như tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, doanh nghiệp chưa đạt mục tiêu cả về chất lượng và số lượng. Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân và trong đó có nguyên nhân của đầu tư công với vai trò dẫn dắt và kích hoạt chưa đúng, chưa đủ.

Do vậy, có chính sách phù hợp cho từng lĩnh vực, từng khu vực để giảm áp lực đầu tư cho nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thu hút nguồn lực của xã hội… là điều cần thiết và sớm được triển khai nhất là dự báo nguồn cung điện cho miền Bắc trong thời gian tới trong trường hợp thời tiết bất lợi, nước về các hồ thủy điện thấp.

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, theo báo cáo của Đoàn Giám sát đã chỉ rõ: Mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, một trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025 được Đoàn Giám sát đưa ra là bên cạnh rà soát, trình Quốc hội sửa đổi một số văn bản, pháp luật liên quan.

Đối với chính sách giá điện cần phải xác định vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc để từ đó có giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi thị trường; hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu).

Đặc biệt ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo“- Đoàn giám sát kiến nghị.

Trích nguồn: Báo Bộ Công Thương

[https://congthuong.vn/thu-hut-dau-tu-dien-tai-tao-cho-mien-bac-dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-cho-ap-dung-quyet-dinh-132020qd-ttg-282820.html]