30.11.2022

Sự cải tiến của tấm pin half-cell so với tấm pin full-cell

Với sự đổi mới của công nghệ, cũng như để bắt kịp xu hướng phát triển nhu cầu của người dùng, mọi người dần chuyển từ việc sử dụng những tấm pin truyền thống (full-cell) sang sử dụng loại pin half-cell. Vậy loại pin này có điểm cải tiến gì so với tấm pin truyền thống mà khiến mọi người quan tâm đến như vậy? Hãy cùng tìm hiểu với Solar Top. 

Tấm pin full-cell là gì?

Tấm pin mặt trời full-cell là loại pin truyền thống thường gồm 60 cell, mắc nối tiếp. Thông thường các loại pin full cell thì mỗi cell thường có kích thước là 6 inch x 6 inch (tương đương 156mmx156mm). Các nhà đầu tư thường lựa chọn loại tấm pin năng lượng mặt trời nay nhiều vì chi phí bỏ ra thấp. 

Tấm pin half-cell là gì?

Half–cell hay còn gọi Half–cut–cell là công nghệ được tạo ra từ việc sử dụng phương pháp chia đôi cell truyền thống thành hai nửa bằng nhau nhờ tia laser. Các cell kết nối lại với nhau tạo nên một tấm pin hoàn chỉnh. Kỹ thuật này tăng hiệu suất tấm pin, hiệu quả hơn so với các tấm pin Full–cell thông thường.

Công nghệ Half Cell được giới thiệu vào năm 2014 bởi REC Solar. Đây là một bước ngoặt lớn trong công nghệ của hệ thống pin năng lượng mặt trời. Từ đó họ đã liên tục phát triển hệ thống dây chuyền sản xuất của họ sang công nghệ này. Cho đến nay ngoài REC Solar nhiều nhà sản xuất đã áp dụng công nghệ Half-cut Cell vào cho dây chuyền sản xuất pin năng lượng mặt trời của mình, nổi bật như Jinko Solar, VSUN…

Sự cải tiến của tấm pin half-cell so với tấm pin full-cell 

Hiệu suất tấm pin Half-cell được cải thiện, giảm tiêu hao điện

Các tấm pin mặt trời công nghệ half-cell sử dụng các các tế bào quang điện được cắt làm đôi, điều đó giúp cải thiện hiệu suất và giảm tiêu hao điện năng. Dạng tấm pin truyền thống gồm có 60 và 72 tế bào quang điện sẽ lần lượt có 120 và 144 tế bào quang điện dạng half-cell. 

Khi các tế bào quang điện được chia làm đôi, dòng điện của nó cũng giảm đi một nửa, dẫn đến tổn thất do điện trở được giảm xuống và tấm pin có thể sản xuất ra năng lượng nhiều hơn. Việc ứng dụng công nghệ Half – cell giúp giảm một nửa dòng điện chạy qua các busbar. Qua công thức tính tổn hao: P= I2 x R ta thấy được, khi I giảm 1/2 thì suy hao sẽ giảm 4 lần.

Các chuyên gia đã thực hiện một thí nghiệm cho thấy những tế bào quang điện kích thước nhỏ hơn sẽ ít chịu tác động của tải trọng cơ hơn, do đó sẽ giảm khả năng bị nứt, gãy. Các tấm pin mặt trời dàng half-cell sẽ cho công suất đầu ra cao hơn và đáng tin cậy hơn so với các tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ truyền thống. Chính vì vậy, không chỉ tăng hiệu suất, các tấm pin half-cell còn làm tăng độ bền cho hệ thống điện.

Kích thước tấm pin thay đổi 

So với tấm pin truyền thống, chiều dài tấm pin half-cell tăng thêm khoảng 20mm và chiều rộng không thay đổi. Tuy nhiên, việc thay đổi kích thước này sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng lắp đặt của hệ thống.

Tối ưu hóa hoạt động của tấm pin mặt trời khi bị che bóng 

Đối với các tấm pin năng lượng mặt trời full-cell, do được mắc nối tiếp, thông thường, nếu một cell bị che bóng sẽ làm công suất cả tấm pin bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, khi sản xuất, các cell được chia thành 3 dãy mắc nối tiếp, mỗi dãy 1 diode để phân tách với dãy cell bị che bóng. Làm như thế, những dãy còn lại sẽ không bị ảnh hưởng. Khi một cell bị che bóng, công suất tấm pin giảm đi 1/3 so với hiệu suất ban đầu.

Với tấm pin Half-cell, tổng số cell pin là 120. Các cell được kết nối với nhau và được chia làm 6 dãy. Một cell che bóng sẽ làm giảm 1/6 công suất tấm pin. Vì vậy, trong trường hợp cùng điều kiện các tấm pin bị che bóng, thì hiệu suất của half-cell chỉ giảm một nửa so với hệ thống full-cell.